KINHDOANHNHA.COM.VN

09/01/2015

TP.HCM lập đặc khu kinh tế: Thêm quyền để làm tốt hơn

Ủng hộ việc TP.HCM lập đặc khu kinh tế, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa tin tưởng, TP sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế cả nước...

Có quy chế đặc thù để phát huy tiềm năng

Ngày 17/8, Văn phòng UBND TP.HCM đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Lê Hoàng Quân về việc giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM chủ trì hoàn chỉnh đề cương chi tiết đề án thành lập đặc khu kinh tế TP.HCM để xin ý kiến thường trực Thành ủy, HĐND TP.HCM trước khi báo cáo Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương này của TP.HCM. Ông cho rằng, TP.HCM cần có những quy định cho phép có những thẩm quyền và quyền hạn tương xứng với vị thế, tiềm năng của TP để có thể phát triển mạnh mẽ hơn, một mặt đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế cả nước, mặt khác thúc đẩy kinh tế của các tỉnh, thành phố khác. Việc TP.HCM muốn thành lập một đặc khu kinh tế nằm trong đề xuất rộng lớn này.

TP.HCM lap dac khu kinh te: Them quyen de lam tot hon
Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM cần có quy chế đặc thù để phát triển hơn

"Mấy chục năm qua, về cơ bản, TP.HCM vẫn được Trung ương quản lý như một trong 63 tỉnh thành với một vài quy định riêng nhưng không đáng kể, không tạo thành một quy chế riêng để TP có thể phát huy tiềm năng, ưu thế riêng của mình. Nếu tính tự quản của TP.HCM cao hơn, nhiều thứ TP có thể tự quyết định (đi kèm với việc chịu trách nhiệm) một cách nhanh hơn.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước, có quy chế đặc thù sẽ tạo điều kiện cho TP phát huy được tiềm năng của mình, phát triển mạnh hơn, đóng góp cho ngân sách, tăng trưởng chung của cả nước nhiều hơn.

Hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa phù hợp, ví dụ trong đầu tư, TP.HCM suốt mấy chục năm đóng góp khoảng 1/5 GDP của cả nước và 1/3 tổng thu ngân sách nhưng được điều tiết lại rất thấp. Singapore có diện tích 600km2, TP.HCM 2.000 km2, để tăng trưởng như thế TP phải có lượng đầu tư cao hơn nhiều. Nhưng vì là một TP trực thuộc Trung ương nên TP.HCM chỉ được điều tiết trở lại 1 nguồn vốn đầu  tư thấp hơn nhiều so với nhu cầu", Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích.

Ông cũng chỉ rõ, vướng mắc lớn nhất để tạo sức bật cho TP.HCM là thiếu một quy chế đặc thù. "Người ta cứ ám ảnh bởi nỗi sợ khoảng cách giữa TP.HCM với các địa phương khác quá xa. Đây là quan điểm về mặt phát triển, biết TP mạnh, đóng góp nhiều nhưng không cung cấp cho TP nguồn lực nhiều hơn để mạnh hơn mà cứ kìm bớt lại.

Cần trao cho TP.HCM quy chế đặc thù. Thực ra quy chế đặc thù rất lớn, đặc khu kinh tế nằm trong nhu cầu chung lớn này. Hiện đã có quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... có lẽ TP.HCM thấy những quy định đó cũng như các tỉnh, thành phố khác nên muốn có đặc khu kinh tế để có thể thu hút các nhà đầu tư và có chính sách đối với các nhà đầu tư đó khác với mặt bằng chung và khung pháp lý chung".

Huy động chất xám của các nhà khoa học

Theo chủ trương của UBND TP.HCM, đặc khu kinh tế dự kiến bao gồm quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển của thành phố. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói rằng ông chưa rõ đây có phải là sự lựa chọn dứt khoát của TP.HCM hay chưa nhưng lưu ý, đặc khu kinh tế đặt ở đâu phải có sự đánh giá, xem xét, cân nhắc khách quan, đặc biệt không bị những lợi ích ngắn hạn, cục bộ, lợi ích nhóm chi phối.

"Tôi ủng hộ việc nên có một quy chế đặc thù chung cho TP.HCM và trong khi chờ đợi có thể có một số đặc khu kinh tế ở TP.HCM với một số thẩm quyền đặc thù. Còn đặc khu kinh tế đặt ở đâu lại là vấn đề khác", ông nói.

Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, để xây dựng đặc khu kinh tế TP.HCM, trước hết phải xác định đặc khu kinh tế để làm gì, có nội dung gì. Ví dụ, đặc khu kinh tế TP.HCM có thể dành cho công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện, chi tiết, vật liệu công nghệ cao để cung ứng cho các mặt hàng, sản phẩm cao cấp như linh kiện máy bay, mặt hàng điện tử cao cấp...

"TP.HCM sẽ phải huy động chất xám các nhà khoa học trong và ngoài nước để làm đề án đặc khu kinh tế. Trước đây, TP đã từng đề xuất thành lập chính quyền đô thị nhưng không được thông qua.

Hy vọng lần này TP.HCM có thể thuyết phục được Trung ương về việc thành lập đặc khu kinh tế.  Cần lưu ý rằng, mục tiêu đặc khu kinh tế phải tồn tại vài chục năm chứ không phải xin ngắn hạn và không thể để nó bị chi phối bởi những lợi ích ngắn hạn, có tính chộp giật hay lợi ích nhóm của tập đoàn hay đại gia nào đó", ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

vinpearl