KINHDOANHNHA.COM.VN

12/22/2015

Điều gì đã làm nên huyền thoại kinh tế Hàn Quốc?

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực từ 20/12/2015 đã mở ra một cánh cửa rộng lớn cho mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, kỳ vọng đây là một cơ hội tốt cho kinh tế Việt Nam

 Nhân dịp này, Đại Kỷ Nguyên sẽ giới thiệu một số những kinh nghiệm quý báu đã giúp tạo ra kỳ tích sông Hàn (Hàn Quốc), huyền thoại kinh tế Hàn Quốc, với kỳ vọng sẽ giúp hiểu hơn đất nước bạn và học tập được những kinh nghiệm để góp phần cất cánh nền kinh tế Việt Nam.

Kỳ tích sông Hàn 

Hàn Quốc đã tăng trưởng kinh tế thần kỳ, do xuất khẩu mang lại, do phát triển nông nghiệp bên cạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhanh chóng, do phát triển khoa học công nghệ, do sự phát triển nhanh chóng về chất lượng giáo dục, sự tăng lên nhanh chóng của mức sống và quá trình đô thị hóa nhanh, bùng nổ xây dựng cao ốc, tiến trình dân chủ hóa và toàn cầu hóa nhanh đã chuyển Hàn Quốc từ đống tro tàn của cuộc Chiến tranh Triều Tiên thành một quốc gia phát triển và thịnh vượng với GDP cán mốc 1.000 tỷ USD.

Năm 1988, pháo hoa thắp sáng sông Hàn mở đầu cho ngày hội thể thao toàn thế giới Olympic mùa hè diễn ra tại Seoul, người Hàn Quốc ôm nhau nhảy múa trong niềm vui vỡ òa, đánh dấu ngày đất nước này đứng vào hàng ngũ các quốc gia cường thịnh.

Đại lộ Olympic chạy dọc bờ Nam sông Hàn sáng rực trong đêm. (Ảnh: internet)

Đại lộ Olympic chạy dọc bờ Nam sông Hàn sáng rực trong đêm. (Ảnh: internet)

Sau 40 năm gây ngạc nhiên bằng tốc độ tăng trưởng bình quân 7,6%, chính khát vọng xây dựng một đất nước độc lập tự chủ và cường thịnh đã đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế thứ ba của châu Á và thứ 13 thế giới, người Hàn Quốc đã vượt châu Âu với thu nhập bình quân đầu người hơn 32.000 USD. Sản phẩm công nghiệp của Hàn Quốc chinh phục người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới. Năm 2014, Hàn Quốc đạt GDP bình quân đầu người là 32.400 USD, gấp 14 lần Việt nam.

Vài nét về Hàn Quốc

Hàn Quốc bị Nhật xâm chiếm từ năm 1910 đến 1945, đến năm 1950 chiến tranh Nam-Bắc bùng nổ và kéo dài đến năm 1953. Sau đó, bị phân chia thành hai quốc gia cho đến tận hôm nay. Là một đất nước còn chia cắt duy nhất trên thế giới hiện nay, miền Bắc vẫn theo kinh tế kế hoạch tập trung, kém phát triển, còn Hàn Quốc từ đổ nát của chiến tranh đã từng bược khôi phục và phát triển kinh tế để rồi có một sự nhảy vọt làm cho cả thế giới phải khâm phục bởi kỳ tích sông Hàn.

Hàn Quốc ba mặt giáp biển, địa hình chủ yếu là đồi núi với diện tích khoảng 100.032 km vuông, bằng 1/3 diện tích Việt Nam, dân số là 48 triệu người, bằng một nửa dân số Việt Nam, tài nguyên thiên nhiên hầu như không có, thời tiết khắc nghiệt.

(Ảnh: internet)

(Ảnh: internet)

Xuất phát điểm

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 là một nước nghèo nàn, lạc hậu, đặc biệt sau chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên kết thúc năm 1953, Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề, nhiều thành phố chỉ còn là đống tro tàn, thu nhập bình quân đầu người khoảng 67 USD/năm, nhiều vùng nông thôn buộc phải ăn đến cọng rau ngọn cỏ, phải lên núi kiếm thức ăn.

Năm 1961, GDP bình quân đầu người dưới 80 USD/năm, hầu hết người dân vẫn đói nghèo, không thể đảm bảo cho nhu cầu sống tối thiểu, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, lúc đó cũng phải chịu những trận lũ lụt nối tiếp hạn hán triền miên, nạn đói đã từng xảy ra không bỏ sót một vùng đất nào. Trong khi đó hệ thống chính trị, quan chức tham nhũng, không lo cho dân, đã đẩy Hàn Quốc đến chỗ nguy vong. Đó là những tháng năm cùng cực đói nghèo của Hàn Quốc, mà ngày nay chỉ còn trong ký ức lịch sử.

Chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp thời kỳ những năm 60s

Nhưng người Hàn Quốc không đầu hàng số phận, kinh tế Hàn Quốc có sự nhảy vọt ngoạn mục là nhờ vào chính sách phát triển kinh tế của chính phủ. Hiểu rõ chính sách phát triển kinh tế đối với quốc gia là sống còn, Tổng thống Park Chung Hee trao toàn quyền quyết định cho một nhóm các chuyên gia hoạch định kinh tế, tùy theo mục tiêu từng thời kỳ để ưu tiên, thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế theo hướng xuất khẩu, tập trung cho sản xuất từ những ưu đãi về thuế, lãi suất, vốn, nguồn lực, hạn chế nhập khẩu… đặc biệt là chống tham nhũng triệt để đã giúp cho Hàn Quốc phát triển tối đa, hầu như không bị mất một xu vì tham nhũng.

Bước đi đầu tiên tiên của chính phủ Tổng thống Park Jung Hee là tập trung cho phát triển nông nghiệp để nông dân thoát đói nghèo, bởi vì là một nước nông nghiệp mà nông dân đang đói nghèo cùng cực.

Chính vì vậy, chính phủ đã đưa ra chính sách tập trung phát triển nông thôn, xây dựng phong trào Saemaeul (còn gọi là Saemaul Undong, phong trào cộng đồng cư dân mới ra đời).

Saemaul Undong được xây dựng trên 3 trụ cột đó là Chuyên cần – Tự giác – Hợp tác. Ba trụ cột đó là những giá trị xuyên suốt quá trình phát triển nông thôn nói riêng và sự phát triển của toàn xã hội Hàn Quốc nói chung. Cụ thể là chính phủ chủ trương đầu tư hạ tầng để nông dân tự lực đứng lên, sản xuất chế biến tại chỗ với nhấn mạnh ‘nông dân là người chủ đích thực’.

Ban đầu chính phủ cấp cho mỗi làng 300 bao xi măng, chính quyền cấp làng cùng người dân tự quyết định phương án sử dụng số xi măng này. Người dân tự bỏ sức lao động để thực hiện việc xây dựng làng xã, chỉ sau một thời gian ngắn, có hơn 16.000 ngôi làng đã có những cải thiện rõ rệt về bộ mặt nông thôn.

Đến năm 1972, ở những làng có kết quả tốt hơn, mức đầu tư của chính phủ tăng lên 500 bao xi măng và 1 tấn sắt, thép. Nhờ đó mà khu vực nông thôn của nước này đã thay đổi mạnh mẽ. Có khoảng 33.267 làng bắt đầu được chia làm 3 thứ hạng, mỗi bậc nhận được mức hỗ trợ khác nhau từ nhà nước.

Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển hạ tầng, Chính phủ đẩy mạnh cơ sở đào tạo nghề nông, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại giống mới vào sản xuất như nấm, cây thuốc lá… Kết quả là đời sống khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Vào năm 1974, thu nhập ở nông thôn vượt thu nhập ở thành phố. Đến năm 1979, 98% làng ở Hàn Quốc đã có thể tự lực kinh tế. Tinh thần Saemaul Undong đã vượt biên giới làng quê nông thôn, lan tỏa đến thành phố, không chỉ nằm ở hộ gia đình mà còn là tinh thần của các trường học, công sở.

Phong trào Samuel Udong được đánh giá là cuộc cách mạng tinh thần, đánh thức khát vọng của người dân Hàn Quốc.

Thường nông dân thích làm theo ý mình, bổn phận của Chính phủ là chỉ cho họ thấy làm theo khuyến cáo của Chính phủ có lợi hơn. Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng chính sách miễn thuế xăng dầu, máy móc nông nghiệp, giá điện rẻ cho chế biến nông sản, cho nông dân thuê máy nông nghiệp.

Bên cạnh sự trợ giúp của chính phủ, thì yếu tố cạnh tranh cũng góp phần cho thành công, mô hình hợp tác xã không thích hợp với cạnh tranh, Hàn Quốc đã hướng mỗi gia đình, mỗi làng thành một công ty, thực sự cạnh tranh bình đẳng, trong một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để phát triển

Bên cạnh phong trào Saemaeul, Hàn Quốc thực hiện một kế hoạch phát triển kinh tế hiệu quả được gọi là ‘Kế hoạch năm năm’, được thiết kế để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Mỗi kế hoạch trong số đó đã góp phần vào quá trình công nghiệp hóa và mở rộng thị trường.

Hàn Quốc biết tận dụng những khoản viện trợ của cộng đồng quốc tế, trong những năm 1960s chỉ riêng viện trợ của Hoa Kỳ đã chiếm đến hơn 30% ngân sách chính phủ. Từ sự giúp đỡ tiền vốn của quốc tế, Hàn Quốc đã xây dựng hàng loạt tuyến đường sắt, đường bộ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo mạch máu lưu thông kinh tế của đất nước thuộc vào hàng nghèo nhất thế giới bắt đầu nhịp đập cho sự phục hồi sau chiến tranh.

Nền móng cơ sở hạ tầng được xây dựng từ những năm cuối 1960, hệ thống đường cao tốc nối liền Seoul với thành phố cảng Busan thành hình, đây là tuyến đường huyết mạch – thực chất là mạch máu giao thông quan trọng nhất, do những đốc công từ quân đội thực hiện, việc đưa quân đội vào xây dựng cơ sở hạ tầng rất có chất lượng, hiệu quả, vì tham nhũng một đồng thì cũng có nghĩa là danh dự nhà binh cũng tiêu tan, xuất ngũ cùng gợi ý một viên đạn vào đầu, vì thế không hề có một đồng nào bị lấy đi bởi tham nhũng.

Đường cao tốc Seoul - Busan được xây dựng cách đây hơn 40 năm khởi đầu cho quá trình hiện đại hóa của Hàn Quốc. (Ảnh: baogiaothong.vn)Đường cao tốc Seoul – Busan được xây dựng cách đây hơn 40 năm khởi đầu cho quá trình hiện đại hóa của Hàn Quốc. (Ảnh: baogiaothong.vn)

Sau xây dựng những đường cao tốc này, Hàn Quốc đã học được kinh nghiệm nghề xây dựng đường cao tốc để phát triển khắp đất nước và xuất khẩu xây dựng cầu đường sang nhiều nước.

Nhờ có chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, nên Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc trong vòng mấy chục năm qua, GDP bình quân người của Hàn Quốc đã nhảy vọt 100 lần từ 100 USD vào năm 1963 lên 10.000 USD vào năm 1995,  và lên 25.000 USD vào năm 2007 và đạt mức 32.400 USD vào năm 2014. Đây thực sự là một kỳ tích mà Việt Nam cần học tập.

Mời đón đọc phần tiếp theo: Những nhân tố đã làm nên kỳ tích sông Hàn.

Thành Tâm

vinpearl